Anh em bất hoà Nguyễn_Nhạc

Sử sách không ghi chép thật rõ ràng về sự kiện mâu thuẫn giữa anh em Tây Sơn. Các sử gia Nhà Nguyễn cho rằng tại Nguyễn Nhạc "tư thông" với vợ Nguyễn Huệ. Có tài liệu nói rằng Nguyễn Nhạc yêu cầu Nguyễn Huệ nộp vàng bạc lấy từ kho của họ Trịnh ở Bắc Hà mang về nam nhưng Huệ không chịu; hơn thế vua em lại xin vua anh cho cai quản thêm Quảng Nam và vua anh không chấp thuận, do đó Nguyễn Huệ chủ động mang quân vào nam đánh Nguyễn Nhạc[9].

Có ý kiến bàn thêm rằng, chủ trương của Nguyễn Nhạc là tập trung tiêu diệt Chúa Nguyễn, chỉ đánh chiếm phần đất của Chúa Nguyễn để thay thế cai trị tại miền Nam và giữ hòa bình với Bắc Hà, cho nên việc Nguyễn Huệ tự ý đem quân bắc tiến là trái ý vua anh. Ngay khi biết tin Nguyễn Huệ đánh Thăng Long, vua Tây Sơn vội mang quân ra bắc, thực chất là để gọi em về. Mặt khác, Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ. Trong khi đó, là người có hùng tâm, Nguyễn Huệ có chủ trương tự lực phát triển ra ngoài tầm kiềm chế của vua anh và việc bắc tiến của ông không hẳn chỉ vì lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh[10].

Sử cũ ghi rất vắn tắt và không thật rõ ràng về sự kiện này. Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn nhưng Nguyễn Huệ ở lại Phú Xuân, không theo về như những lần đi đánh Gia Định xong trước đây. Danh tiếng Nguyễn Huệ lên cao, được nhân dân tôn là Đức Chúa. Nguyễn Nhạc sợ ảnh hưởng đến quyền lực của mình, doạ trị tội Nguyễn Huệ[11]. Khoảng đầu năm 1787 Nguyễn Huệ viết hịch kể tội Nguyễn Nhạc và mang 6 vạn quân nam tiến vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây ngặt bèn gọi Đặng Văn Trấn, đang trấn thủ Gia Định, ra cứu. Trấn vâng lệnh mang quân ra, nhưng đến Phú Yên đã bị Nguyễn Huệ bắt sống. Nguyễn Huệ nã pháo tới tấp vào thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây bức quá phải lên thành khóc xin em đừng đánh thành nữa. Nguyễn Huệ bằng lòng giảng hòa với anh[12][13].

Tuy nhiên, theo một giáo sĩ phương Tây tại Việt Nam lúc đó, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tuy mâu thuẫn nhưng cho đến khi Nguyễn Huệ bắt được Đặng Văn Trấn, quân đội hai bên vẫn chưa thực sự đánh nhau thì Nguyễn Lữ đứng ra điều đình và hai bên vì tình cảm trong nhà đã đồng ý giảng hoà[12].

Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn và phong vương cho hai em, mỗi người chia nhau giữ một khu vực từ tháng 4 năm 1787:

Như vậy vua Thái Đức đã thoả mãn yêu cầu được cai quản Quảng Nam của em trai. Ở vào thời điểm vinh quang nhất của phong trào Tây Sơn trong công cuộc thống nhất đất nước 1786 – 1787 mà Nguyễn Huệ là người tiêu biểu nhất thì phong trào Tây Sơn đã bị Nguyễn Nhạc phong kiến hoá, phân phong làm ba khu vực cai quản đất nước.

Tới cuối năm 1788, nhận thấy việc phân phong giữa 3 anh em làm suy yếu sức mạnh chung của Nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc quyết định từ bỏ địa vị "Trung ương Hoàng đế" và giao lại binh quyền và lãnh thổ cho người em trai là Nguyễn Huệ. Ông lui về làm Tây Sơn Vương, về ở tại Quy Nhơn là nơi đất tổ, còn Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung. Đến lúc này Nhà Tây Sơn đã thống nhất được vị trí lãnh đạo.